Nhìn thấy sự “tơi tả” của smartphone thương hiệu Việt hay di động do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và đặc biệt sự vây hãm của của các thương hiệu nước ngoài, Vsmart đã nhanh chóng đẩy sản phẩm ngon nhất của họ xuống mức giá thấp chưa từng có và đây còn có thể là một chiến lược dài hơi…
VinSmart đã vận hành nhà máy có mức tự động hoá hàng đầu khu vực với hàng nghìn robot. Toàn bộ nhà máy Vsmart tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế dành cho ngành sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông như IPC-A-610 với những thông số chặt chẽ về nhiệt độ, độ ẩm, kiểm soát phóng tĩnh điện, độ sạch không khí.
Điều này còn cho thấy Vsmart hiện là hãng điện thoại “made in Vietnam” có năng lực sản xuất “trái tim” của smartphone là bo mạch với hệ thống máy móc, dàn robot tối tân. Công đoạn gắn linh kiện (chip, anten, IC…) lên bo mạch được thực hiện bởi máy ASM Siplace-TX2i, thế hệ máy mới nhất của thương hiệu số 1 thế giới, xuất xứ Đức.
Trong nhà máy này, những cánh tay người máy của robot nhện được nhập trực tiếp từ Nhật Bản sẽ thay con người đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Trong suốt quá trình này, các kỹ thuật viên chỉ đóng vai trò điều khiển, vận hành hệ thống. Đặc biệt, với những công đoạn đòi hỏi độ chính xác như kiểm tra chất lượng máy, Vsmart đầu tư hệ thống kiểm tra tự động (Auto Test Line) để kiểm tra tất cả các thông số của điện thoại trước khi chuyển sang công đoạn đóng gói…
Rời nhà máy, nhìn lại thị trường. Khi Huawei bị đánh bật ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường Việt Nam, nhưng Huawei đã đạt thị phần cao chưa từng thấy trên thị trường smartphone ở Trung Quốc trong quý 3 vừa qua. Người tiêu dùng Trung Quốc đang đổ xô mua thiết bị của Huawei. Theo báo cáo công bố ngày 30-10 của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, Huawei bán được 41,5 triệu chiếc smartphone trong quý 3/2019, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng này hiện chiếm 42% thị trường smartphone Trung Quốc, vượt xa đối thủ Mỹ Apple và các đối thủ đồng hương như Vivo, OPPO và Xiaomi.
Tức khi bị “đụng chuyện” lúc đưa sản phẩm ra ngoài, Huawei đã quay trở về bản địa củng cố, khẳng định vị trí… Điều này cũng đưa ra dự báo, nhiều hãng di động của Trung Quốc dù không bị tác động bởi “cuộc chiến Huawei – Google” nhưng sẽ bị ứ hàng ngay tại thị trường bản địa nên sẽ gia tăng lượng hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam…
VinSmart thấy điều này và nhất là khi thị trường ở phân khúc tầm giá 3-5 triệu đồng, Samsung bắt chiếm đến 46,3% thị phần nhờ các model như Galaxy A30, A10, A10s, M20… vào thời điểm tháng 8-2019. Và không xa Việt Nam, theo công bố của IDC Indonesia, ở quý 3/3019, OPPO đang nắm giữ 26,2% thị phần tại phân khúc tầm trung và giá rẻ, có mức giá dưới 400 USD. Đây là phân khúc có tăng trưởng 11% trong quý 3 vừa qua. OPPO đang đánh rất mạnh vào phân khúc tầm trung, với loạt điện thoại mới như K3, K5 và dòng A9…
Trước cảnh này, Vsmart muốn chen chân vào phân khúc nào không phải là chuyện khó nhận ra. Hiện Vsmart đang có mặt trên thị trường với 4 dòng sản phẩm gồm Bee, Star, Joy2+ và Live nằm trong phân khúc từ 1 đến 4 triệu đồng. Nhưng đáng chú ý nhất khi đầu tháng 11-2019, VinSmart giảm giá đến 50% cho Vsmart Live. Tức từ mức giá 6,99 triệu đồng, Vsmart Live giảm mạnh chỉ còn 3,49 triệu đồng cho bản 4GB RAM và từ 7,79 triệu đồng giảm xuống còn 3,79 triệu đồng cho bản 6GB RAM.
Như vậy chỉ với chi phí hơn 3 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu một chiếc smartphone màn hình AMOLED độ phân giải cao Full HD+, tích hợp bảo mật vân tay dưới màn hình như những dòng máy cao cấp, cấu hình mạnh với chip Snapdragon 675 kèm RAM 4/6GB. Máy cũng sở hữu cụm 3 camera ở mặt sau với camera chính độ phân giải 48MP, ống kính tele 8MP và ống kính xóa phông 5MP, pin dung lượng lớn lên đến 4000mAh hỗ trợ sạc nhanh QC 3.0… Nhìn sản phẩm này, nó đứng hàng đầu và gần như không có đối thủ ở phân khúc dưới 4 triệu đồng, điều này cho thấy ý muốn đánh chiếm thị phần của phân khúc dưới 4 triệu đồng của Vinsmart để tạo thế đứng trong thời điểm hiện nay.
Không chỉ muốn khẳng định vị trí của Vsmart trước các thương hiệu nước ngoài đang chiếm cứ thị trường trong nước mà nhà sản xuất này còn như muốn lấy luôn “mảnh đất” mà Mobiistar đã bỏ trống, tạo áp lực dần khuất bóng dáng của Bphone (dù không trùng phân khúc) và hòng xoá tên Asazo ra khỏi thị phần di động. Với cú giảm giá Vsmart Live đã giúp thị phần của hãng này ước tính tháng 10 được 3%, tháng 11 tăng trên 5% và cũng cần thấy dòng máy phổ thông của Vsmart là Bee và Star (dưới 2 triệu đồng) hiện là phân khúc mà Vsmart dư tự tin để chiếm lĩnh.
Và cũng thấy rằng, với nhà máy sản xuất di động to và xịn, các trung tâm nghiên cứu bài bản và cả hệ sinh thái cùng chính sách thu hút nhân lực không tiếc tiền của… lẽ nào chỉ để Vsmart làm ra những chiếc di động ở phân khúc tầm trung rồi hạ giá bán rẻ như chuyện của Vsmart Live hiện nay để lấy thị phần?
Có thể đó chỉ là một mảnh ghép nhỏ. Nhìn chuyện khi Huawei bị đánh bật ở nhiều thị trường quốc tế liền quay về thị trường nội địa và đã đạt thị phần cao chưa từng thấy trên thị trường smartphone ở Trung Quốc có thể thấy “bóng dáng” mà Vsmart muốn làm. Đó là tìm chỗ đứng vững chắc ở khúc thấp rồi sẽ từng bước tiến đến những phân khúc cao hơn với thị phần mong muốn lớn hơn. Điều này mới tương xứng với những gì mà Vsmart đã đầu tư, quyết tâm. Đó sẽ là những mảnh ghép tiếp theo.
Dễ nhìn thấy, lâu dài Vsmart muốn khẳng định chất Việt ở thị trường Việt; còn trước mắt hãng này đang bước vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng với những tên tuổi lớn khác đang thâu tóm thị trường điện thoại Việt Nam ở phân khúc giá thấp và tầm trung.