Qua gần 1 năm thí điểm, hiện toàn bộ 1.198 đơn vị hưởng lương từ ngân sách trong toàn tỉnh đã áp dụng Hệ thống quản trị ngân sách tiền lương – phần mềm do Sở Tài chính xây dựng.

Hằng năm các đơn vị hưởng lương từ ngân sách phải có báo cáo tổng hợp, quản lý nguồn kinh phí này. Trước đây, các đơn vị có cách quản lý việc chi trả tiền lương không giống nhau, cách thức giao dịch không thống nhất, khiến việc tổng hợp báo cáo dữ liệu không kịp thời, độ chính xác chưa cao. Từ thực tế đó, Sở Tài chính xây dựng Hệ thống quản trị ngân sách tiền lương và thống nhất áp dụng trong toàn tỉnh.

Cán bộ kế toán của Phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Hoài Ân thao tác nhập liệu bảng lương tháng 9.2020.

Bà Đặng Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Để đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi chia nhỏ, phân mục và tập huấn cho từng đơn vị, sở, ngành. Ngành có quy mô lớn, phức tạp, nhiều đơn vị và sử dụng kết cấu tính lương đặc thù như ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp thì tổ chức tập huấn riêng, chi tiết để kế toán nắm bắt. Tập huấn cho các địa phương thì phân nhóm gồm nhóm huyện miền núi, đồng bằng và trung du, nhóm thị xã, thành phố. Thống nhất áp dụng phần mềm giúp quản lý chính xác việc sử dụng ngân sách chi lương đến mức chi tiết nhất”.

“Hệ thống quản trị ngân sách tiền lương cho các đơn vị hưởng lương từ ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh” của nhóm tác giả thuộc Sở Tài chính gồm: Bà Ðặng Thu Hương, Phó Giám đốc Sở; ông Phạm Việt Linh, Phó trưởng phòng Quản lý ngân sách; bà Lê Thị Thu Hương, chuyên viên phòng Tài chính hành chính sự nghiệp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách năm 2020.Bình Ðịnh là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng phần mềm này, có tính khả thi cao. Trên cơ sở được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, Sở TT&TT đề xuất gửi phần mềm này tham gia cuộc thi Chuyển đổi số quốc gia năm 2020.

Tháng 3.2019, khi chạy thử phần mềm tại Sở Nội vụ – một trong 4 đơn vị được chọn áp dụng thí điểm phần mềm quản lý tiền lương – các phản hồi từ thực tế giúp nhóm xây dựng cải tiến và tinh chỉnh để phần mềm vận hành tốt hơn. Theo bà Huỳnh Thị Kim Hồng, phụ trách kế toán Sở Nội vụ, phần mềm quản lý tiền lương thuận lợi hơn với công cụ tính lương từ bảng tính Excel; kế toán chỉ cần nhập hệ số điều chỉnh lương, các thông số còn lại được tính toán chính xác dựa trên hệ số điều chỉnh. Không chỉ có vậy, cùng với số lương, phần mềm còn tính kèm theo đó là các khoản chi phí mà người lao động phải nộp theo hệ số lương như bảo hiểm, phí công đoàn…

Sau khi nâng cấp phiên bản đầy đủ, Sở Tài chính phối hợp với Sở TT&TT tổ chức tập huấn riêng cho địa phương. Trong đó, huyện Hoài Ân là một trong những địa phương sớm triển khai và áp dụng phần mềm vào công tác chuyên môn. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hoài Ân, ngoài tính nhanh và chính xác, điểm mới của phần mềm này là cho phép người dùng tính toán và lập dự toán khoản chi ngân sách trên địa bàn huyện cho từng năm. Thực tế ở địa phương có sự phân cấp theo lĩnh vực, theo ngành nghề, theo hệ thống quản lý nhà nước, nên việc tính toán hệ số lương rất phức tạp. Chẳng hạn, tính phụ cấp tăng thêm cho cán bộ xã phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên khi lập dự toán lương cho cán bộ cấp xã mất nhiều thời gian tổng hợp, con số chỉ ở mức tương đối. Trong lĩnh vực giáo dục, toàn huyện có hơn 1.000 giáo viên, áp dụng khung lương khác nhau, nên khi lập dự toán cho năm sau cần độ chính xác để dự toán phù hợp. Trước đây, vào những thời điểm lập dự toán ngân sách, Phòng Tài chính – Kế hoạch phải huy động nhân lực, máy móc tập trung làm việc, nhưng kết quả lập dự toán nhiều lúc chưa khớp với thực tế. Với phần mềm này, công việc chuyên môn được hỗ trợ tối đa, đến nay Phòng đã xây dựng xong dự toán năm 2021, tham mưu cho UBND huyện trình lên các cấp.

Phần mềm Hệ thống quản trị ngân sách tiền lương tích hợp đầy đủ công cụ tính toán, cùng với đó đơn vị sử dụng phần mềm được dùng chứng thư số, chữ ký số trong giao dịch trả lương với các cơ quan liên quan như Kho bạc Nhà nước, BHYT, các ngân hàng; đồng thời tích hợp bảng chi trả lương và phiếu rút dự toán tiền lương của đơn vị vào dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Tính đa nhiệm và kết nối tốt của phần mềm giúp việc quản lý sử dụng ngân sách trả lương đảm bảo kịp thời, chính xác, nhanh chóng và chi tiết; tăng tính hiệu quả, minh bạch trong chi ngân sách.     

Trích: baobinhdinh