Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về thành phố thông minh (smart city). Nhưng về cơ bản, đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Nói một cách ngắn gọn, smart city là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.

Ví dụ, các camera giao thông thông minh ở Singapore giúp hạn chế lưu lượng xe cộ và giảm thiểu tắc đường. Ở Kaunas (Lithuania), tiền đỗ xe được thanh toán tự động thông qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, ở nhiều thành phố, thời gian các xe buýt công cộng đến điểm dừng tiếp theo được công bố rộng rãi với độ chính xác gần như hoàn hảo. Buenos Aires (Argentina), Ramallah (Palestine) và một số nơi khác có hệ thống wifi công cộng và được truy cập miễn phí trên toàn bộ địa bàn thành phố.

Công nghệ không phải thông minh…

Ngày nay, việc số hóa các dịch vụ đô thị đang dần trở thành một ngành công nghiệp với lợi nhuận khổng lồ và bị chi phối bởi các ông lớn công nghệ như Cisco và IBM. Thế nhưng, ý tưởng về “thành phố thông minh thực sự” bao gồm nhiều thứ hơn là ứng dụng công nghệ thông minh tại khu vực thành thị. Theo đó, công nghệ áp dụng phải giúp cho thành phố phát triển theo chiều hướng bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đó là lý do Viện Phát triển Quản lý (IMD) ở Thụy Sỹ và Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) đã đưa ra Chỉ số thành phố thông minh (SMI) nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với công nghệ mới như một cách thức để đánh giá thực sự “sự thông minh” của một thành phố. Nhóm nghiên cứu này đã thực hiện cuộc khảo sát 102 thành phố và phát hiện rằng, chỉ khi nào các công nghệ mới tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa đối với con người, thì thành phố đó mới trở nên thông minh một cách hiệu quả.

Trong đó, năm thành phố thông minh nhất thế giới, tính theo SMI gồm Singapore, Zurich, Oslo, Geneva và Copenhagen; còn các thành phố ở cuối bảng đều thuộc các nền kinh tế đang phát triển là Bogota, Cairo, Nairobi, Rabat và Lagos.

Điều đáng ngạc nhiên, các thành phố nổi tiếng với việc áp dụng công nghệ hiện đại vào cuộc sống của người dân lại không có vị trí cao, như một số thành phố của Trung Quốc: Nam Kinh (55), Quảng Châu (57) và Thượng Hải (59). Tương tự, Tokyo đứng thứ 62, New York đứng thứ 38 và Tel Aviv đứng thứ 46.

… mà là lợi ích của người dân

Lấy Paris (Pháp) làm ví dụ. “Thành phố tình yêu” từ lâu đã bắt tay thực hiện một dự án đầy tham vọng để thiết kế lại cảnh quan thành phố. Sáng kiến “Réinvinter Paris” khởi đầu bằng việc nhận đề xuất từ người dân về cách tái sử dụng và cải tạo các tòa nhà cũ. Đồng thời, thành phố giới thiệu chương trình chia sẻ xe đạp công cộng Vélib với khoảng 14.000 chiếc xe với mục đích khuyến khích người dân đạp xe nhằm giảm tắc đường và ô nhiễm.

Thế nhưng, năm năm sau khi triển khai, người dân Paris vẫn chưa thực sự cảm thấy lợi ích từ dự án này và SMI của Paris đứng thứ 51. Một thành phố chỉ thực sự thông minh khi công nghệ mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Dự án xe đạp chia sẻ chỉ có hữu ích nếu cơ sở hạ tầng của thành phố phù hợp với việc đạp xe và Paris chưa đạt được điều này. Đến mức, chỉ có những ai cực kỳ bạo dạn mới dám đạp xe qua Quảng trường Charles de Gaulle vào buổi trưa mà thôi.

Thực tế là, khi công nghệ có thể giúp người dân giải quyết một vấn đề bất kỳ, cuộc sống của họ tự dưng trở nên tốt hơn. Medellin (Colombia) là một mô hình smart city thành công vì đã áp dụng công nghệ để giải quyết mối lo ngại lớn nhất của người dân – sự an toàn. Tương tự, với mức đầu tư không quá lớn, hệ thống wifi công cộng ở Ramallah đã cung cấp cho người dân bên trong một thành phố khép kín có quyền truy cập vào thế giới bên ngoài. Điều này còn hữu ích hơn bất kỳ hệ thống giám sát chất lượng không khí nào.

Ngoài ra, chính thành phố và đô thị lớn khó trở nên thông minh một cách “thực sự”. Đứng đầu danh sách SMI chủ yếu là thành phố cỡ trung như Bilbao (thứ 9, dân số 350.000) hay San Francisco (thứ 12, dân số 884.000). Lý do là với thành phố có quy mô dân số nhỏ, tiện ích của công nghệ mới sẽ dễ tiếp cận và giúp ích cho công dân hơn thành phố lớn như Los Angeles (thứ 35, dân số 4 triệu) và Barcelona (thứ 48, dân số 5,5 triệu).

Trên thế giới có 29 thành phố với tổng dân số trên 10 triệu, và con số này sẽ tăng lên 43 vào năm 2030. Các thành phố khác nhau sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, khi lãnh đạo các thành phố đi tìm kiếm giải pháp kỹ thuật số để giải quyết vấn đề đô thị. Nhưng thành phố chỉ thực sự thông minh khi đem lại lợi ích đích thực cho công dân!