Trích: baobinhdinh
Bình Định đang khẩn trương triển khai công tác lên danh sách để thực hiện hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch giúp đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trùng lắp, không để lợi dụng chính sách. Phần mềm được Hội Tin học Bình Định triển khai và chuyển giao cho ngành LĐ-TB&XH, cùng các địa phương thực hiện.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), cho biết: “Nhờ có phần mềm, việc thống kê, cập nhập danh sách những người được hỗ trợ sẽ xử lý rất nhanh. Phần mềm dễ sử dụng, giúp nhân viên làm công tác thống kê, lập danh sách trường hợp được hỗ trợ tại địa phương tiết kiệm rất nhiều thời gian”.
Theo quy trình, sau khi các xã, phường, thị trấn thống kê, xét thông qua danh sách và tải lên phần mềm, phòng LĐ-TB&XH các địa phương tập hợp danh sách, điều chỉnh và chuyển lên Sở LĐ-TB&XH tổng hợp. Ông Nguyễn Hoàng Thân, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn cho hay, với con số hàng nghìn người được hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 này, nếu làm thủ công thì công tác thống kê đã khó, việc phát hiện trường hợp bị trùng lắp lại càng khó hơn. Nhờ phần mềm, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp trùng tên, trùng chứng minh nhân dân, một người cùng lúc có tên trong danh sách được hưởng chế độ ở nhiều phường khác nhau, hay một hộ có nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội. Đơn cử như trường hợp bà Phạm Thị Chín vừa được hưởng chế độ người cao tuổi ở phường Lê Hồng Phong, vừa được hưởng chế độ người có công ở phường Nguyễn Văn Cừ. Những trường hợp như vậy không có phần mềm rất khó phát hiện, gây thất thoát ngân sách không nhỏ.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang cho biết, đối tượng trong diện hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 rất lớn, thống kê toàn tỉnh lên đến con số trên 300 nghìn người. Ứng dụng phần mềm xử lý rất hiệu quả, giúp công tác hỗ trợ đến đúng người, tránh trùng lắp. Chưa hết, thông qua phần mềm này, công tác tổng hợp, rà soát, xét duyệt danh sách hỗ trợ được công khai, minh bạch vì người dân có thể truy cập để xem thông tin của mình và giám sát thông tin những trường hợp khác. Đặc biệt, phần mềm xử lý công việc rất nhanh, góp phần ngăn chặn những người có tư tưởng trục lợi. Nhờ số liệu được cập nhập liên tục, các cơ quan quản lý có thể nắm bắt hết con số thống kê từng xã, phường, thị trấn.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa chia sẻ, với tinh thần cùng chung tay hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hội Tin học Bình Định đã phối hợp với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT gồm: Viettel Bình Định, FPT Bình Định và Công ty Chuyển đổi số toàn cầu (GDT Bình Định) gấp rút xây dựng hệ thống phần mềm chỉ trong 10 ngày. Đây cũng là phần mềm đầu tiên trên cả nước về lĩnh vực này. Hiện phần mềm đã được triển khai miễn phí cho Sở LĐ-TB&XH; 11 phòng LĐ-TB&XH huyện, thị xã, thành phố; 159 xã, phường và thị trấn và các đội thuế trên toàn tỉnh.