Chưa thể trả lời được người từng nhiễm SARS-CoV-2 có thể mắc lại bệnh trong tương lai hay không nhưng các tế bào T trong cơ thể bệnh nhân cho thấy các tín hiệu miễn dịch tích cực.
Tế bào T là các chiến binh miễn dịch của cơ thể giúp chúng ta chống lại một số loại virus. Đối với Covid-19, cách tế bào T chiến đấu với SARS-CoV-2 vẫn chưa rõ ràng.
Tin tốt cho quá trình phát triển vaccine
Science Magazine vừa đưa tin kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả tại Viện Miễn dịch La Jolla ở California (Mỹ) lấy mẫu máu từ 20 người trưởng thành khỏi Covid-19. Nhóm nhận thấy tất cả bệnh nhân đều có tế bào T CD4+ trợ giúp chống lại virus SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị.
Để kiểm tra lại dữ liệu này, nhóm nghiên cứu thử nghiệm các mẫu máu thu thập từ năm 2015-2018 nhằm xem liệu những người chưa tiếp xúc với SARS-CoV-2 có thể miễn dịch với virus hay không. Kết quả, các tác giả phát hiện ra những phản ứng của tế bào T CD4+ với SARS-CoV-2 trong khoảng 50% mẫu. Đây là những mẫu nghiên cứu được cho là đã tiếp xúc với virus corona gây cảm lạnh – một trong 7 loại virus corona.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin (Đức) đã phát hiện ra các tế bào T CD4+ có thể nhận ra sự tăng đột biến protein trong máu từ 83% bệnh nhân Covid-19 và từ 34% người khỏe mạnh khác. Kết quả này được đăng tải trên medRxiv vào hồi tháng 4.
Chuyên gia virus học Angela Rasmussen của Đại học Columbia – một trong những thành viên của dự án – đánh giá đây là dữ liệu rất hữu ích.
Nghiên cứu không khẳng định được rằng những người loại bỏ SARS-CoV-2 ra khỏi cơ thể có thể tránh được virus trong tương lai hay không. Tuy nhiên, phản ứng mạnh của tế bào T với virus là tín hiệu tích cực cho sự phát triển hệ miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Điều này giúp các nhà nghiên cứu tạo ra vaccine hiệu quả hơn.
Nhiều nước trên thế giới đang cùng lúc phát triển hơn 100 loại vaccine chống Covid-19. Các nghiên cứu này đều dựa trên cơ chế tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vaccine khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại virus, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất vaccine.
Những protein này được tạo ra bởi các tế bào B. Chúng bám vào SARS-CoV-2, ngăn virus xâm nhập vào các tế bào bình thường. Ngược lại, các chiến binh T chặn nhiễm trùng theo hai cách khác nhau. Một mặt giúp đỡ các tế bào B và các tế bào miễn dịch khác hoạt động. Mặt khác, chiến binh T nhắm mục tiêu, tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.
Giúp giải mã cơ chế miễn dịch của thế giới
Trước khi bắt đầu cuộc chiến toàn lực ở quy mô tế bào, virus đã trà trộn vào cơ thể, men theo lớp phòng thủ ở dịch nhầy tỏng mũi, cổ họng để săn tìm mục tiêu điều khiển. Cùng lúc, virus cố gắng ngụy trang sự tồn tại của chúng để tránh đánh động hệ miễn dịch.
Phát hiện ra virus và các tế bào bị xâm chiếm, hệ miễn dịch sẽ không bắt giữ tù nhân. Chiến binh T tìm thấy các tế bào bị biến thành “nhà máy sản xuất virus”, sau đó hệ miễn dịch tìm cách phá hủy chúng. Cơ chế này diễn ra thông qua cách tóm lấy các tế bào “bị mua chuộc” và bắn các phân tử xuyên qua lớp màng, tiêu diệt tế bào và mọi thứ bên trong.
Virus SARS-CoV-2 là chúng virus mới phát hiện. Đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa có đủ thời gian để tìm hiểu chính xác những gì chiến binh T chiến đấu chống lại virus viêm phổi mới.
Dù vậy, kết quả vừa nghiên cứu được đã phần nào giải thích lý do khiến một lượng lớn dân số thế giới đối phó được với virus viêm phổi mới. Theo chuyên gia miễn dịch Steven Varga (Đại học Iowa, Mỹ), đó là do một số miễn dịch còn sót lại khi tiếp xúc với virus cảm cúm thông thường.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đều không cố gắng chứng minh rằng những người có khả năng phản ứng chéo sẽ không mắc Covid-19 trong tương lai. Dù phần nào trả lời được cơ chế miễn dịch của thế giới, câu hỏi về vai trò của tế bào T vẫn còn bỏ ngỏ.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận liệu chiến binh T có vai trò gì trong việc loại bỏ SARs-CoV-2 hay thậm chí chúng có gây các phản ứng nguy hiểm gì bên trong cơ thể khi phản ứng với virus hay không.
Kết quả này vẫn châm ngòi cho việc sản xuất kháng thể, vaccine chống lại virus. Đó là cần kích thích tế bào T trợ giúp.
Hầu hết loại vaccine đang được phát triển đều nhằm mục đích tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại sự tăng đột biến. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm La Jolla xác định rằng các tế bào T phản ứng với một số protein của virus.
Nó cho thấy vaccine “đánh” vào các protein này cũng mang lại hiệu quả. Với dữ kiện này, chúng ta sẽ có nhiều hơn một cơ chế sản xuất vaccine để chống lại Covid-19.